Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh
Uỷ viên Thường vụ TW Hội luật gia Việt Nam
Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký
Hội Bảo vệ Quyền tác phẩm Điện ảnh và Phim Truyền hình Việt Nam
- Giới thiệu chung về hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam
Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam được thứ trưởng bộ nội vụ Trần Anh Tuấn kí quyết định về việc cho phép thành lập số 653/QĐ-BNV ngày 16/08/2019. Hội được thành lập trên nền tảng là các luật sư, đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ, quay phim, nhà quản lý, kĩ sư công nghệ. Họ là những người có bề dày trong lĩnh vực điện ảnh và phim truyền hình việt nam. Nguyên chủ tịch hội cũng là nguyên chủ tịch hội điện ảnh Việt Nam, nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải. Chủ tịch hội hiện nay là đạo diễn Phan Văn Hòa và các thành viên trong ban chấp hành như đạo diễn Phạm Từ Liêm, nghệ sĩ quay phim Nguyễn Văn Nhiêm diễn viên Mai Huyền Linh, v.v.v
Hoạt động của hội nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên, giúp hội viên tiếp cận thị trường giải trí toàn cầu, cung cấp cho hội viên một nền tảng để tiếp nhận thị trường quốc tế và đa dạng. Điều này giúp cho phép hội viên giới thiệu, bán và cho thuê, khai thác tác phẩm của mình cho lượng khách hàng tiềm năng lớn từ khắp nơi trên thế giới.
Bảo vệ tác quyền: Các tác giả có thể xác minh và bảo vệ quyền sở hữu của các tác phẩm của mình thông qua công nghệ mới. Điều này giúp đảm bảo rằng tác phẩm của họ không bị sao chép hoặc xâm phạm.
Gia tăng thu nhập, khẳng định tên tuổi: cho phép tác giả khai thác tác phẩm của mình trực tiếp từ người hâm mộ, điều này mở ra cơ hội nâng cao thu nhập.
Ngoài ra hội còn tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và Phim truyền hình Việt Nam hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình của Việt Nam nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên trong lĩnh vực bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình theo quy định của pháp luật; góp phần phát triển nền nghệ thuận điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- “Các dịch vụ xâm phạm” quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình.
* Phim chiếu rạp bị phát tán trên mạng xã hội
Đặc điểm chung của các vi phạm trong thời gian gần đây là đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn. Đáng chú ý, hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng dù không được phép của nhà sản xuất. Người xem chỉ cần lướt qua các phân đoạn đó là gần như đã nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Việc xử lý hiện nay chỉ xử lý được các tài khoản đưa những video có thời lượng trên 10 phút, còn với các video có thời lượng ngắn thì không thể giải quyết triệt để vì số lượng quá nhiều. Các tài khoản nước ngoài càng khó xử lý; thậm chí để tránh các công cụ quét bản quyền tự động, cứ sau mỗi 3 giây, hình ảnh trên các kênh này lại thay đổi so với hình ảnh gốc bằng việc zoom vào một chi tiết không cụ thể nào đó như một góc tai, một góc mắt diễn viên hay một góc bối cảnh…
* Đăng tải trái phép phim đã được mua bản quyền
Bộ phim “Diên hi công lược” phát hành năm 2018, hàng loạt trang phim lậu tại Việt Nam đã đăng tải trái phép hơn 20 tập phim mới của “Diên Hi công lược” bản phụ đề với chất lượng tốt trong khi các đơn vị có bản quyền tại Việt Nam chưa phát sóng. Đơn vị phát sóng FPT cũng phải khóa hoàn toàn bộ phim trên trang phim online của mình.
Trong tháng 7/2018, hdonline cũng đã bị hai công ty K+ và BHD tố cáo lên Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử vì hành vi vi phạm bản quyền phim. Cụ thể, hdonline đã vi phạm 4 bộ phim mà K+ giữ độc quyền phát sóng bao gồm: Happiness for sale, Hot Young Bloods, The Con Artists, Memories of the sword. Hdonline vi phạm bản quyền bộ phim Không lối thoát hiểm mà BHD đang giữ bản quyền. Đơn vị này (hdonline.vn) cũng bị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử xử phạt 30 triệu đồng về hai hành vi vi phạm: Thực hiện không đúng giấy phép thiết lập mạng xã hội và vi phạm bản quyền phim của hãng TVB (Hồng Kông).
* Review phim
Hiện nay, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook Watch, TikTok… nhằm mục đích kiếm tiền. Review phim là việc sử dụng bộ phim gốc để thực hiện hoạt động tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình và giải thích rõ hơn nội dung của bộ phim.
Đây có được xem là tác phẩm phái sinh theo quy định của luật SHTT ?
* Sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng trái pháp luật.
Việc sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền. Việc kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn. Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đối với chủ trang web phimmoi.net.
Thực trạng xâm phạm bản quyền là một căn bệnh đang cần thuốc đặc trị, có rất nhiều nhà sản xuất phim điện ảnh trong nước và các hiệp hội quốc tế như: MPA Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ, ACE liên minh sáng tạo và Giải trí…bức xúc dù chúng ta có Luật Điện ảnh và Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình vẫn chưa thực sự được quan tâm, coi trọng. Căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tuỳ từng mức độ theo các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí cả biện pháp hình sự.
Không chỉ ở Việt Nam, vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn chung trên toàn cầu, khiến tất cả những người chịu ảnh hưởng đều “đau đầu” tìm các phương án để giải quyết việc này rất khó nhưng không khó là không làm được, và không thể không làm, nhất là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà sản xuất, có tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền điện ảnh đất nước nói riêng, và uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập.
- Một số nguyên nhân của hành vi vi phạm bản quyền.
– Nguyên nhân từ tác giả, chủ sở hữu. Quy định pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm chung: bao gồm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật SHTT và những quy định cụ thể để áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.Việc chưa hiểu rõ các quy định pháp luật, chưa biết sử dụng các biện pháp bảo hộ mà pháp luật quy định (như tìm đến các luật sư, các cơ quan chức năng bảo vệ, tố cáo trước các cơ quan thực thi pháp luật đối với những hành vi vi phạm bản quyền…). Đăng ký ban quyền cho tác phẩm. Đây được cho là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng vi phạm bản quyền cứ diễn ra.
– Từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan thực thi pháp luật chịu trách nhiệm quản lý về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong vài năm gần đây, đã có nhiều nỗ lực cần thiết về các khía cạnh pháp lý và quản lý của Sở hữu trí tuệ và bảo hộ bản quyền ở Việt Nam, nhưng hiệu quả còn hạn chế, việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Quyền tác giả trên môi trường số ngày càng dễ dàng bị xâm phạm vì tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép có những ứng dụng, những tiện ích để thực hiện những trao đổi, sao chép, tải về máy cá nhân các nội dung được bảo hộ.
– Từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, các hành động như khởi kiện dân sự ra tòa án hoặc gửi thư cảnh báo đến những người vi phạm việc làm này có hiệu quả không cao và là một quá trình kéo dài và tốn kém. Việc xử lý trách nhiệm hình sự thực tế cũng chưa được áp dụng nhiều, chưa phát huy được tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Nên nhà sản xuất thường không khởi kiện dân sự ra tòa hoặc cũng không có biện pháp tố cáo khi phát hiện ra các hành vi xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm của mình.
Những vụ việc xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, việc giải quyết kéo dài gây ra tốn kém về thời gian và tiền bạc. Như vậy khó có thể chấp nhận được với các bên có tham gia liên đới đến vụ việc đó.
- Đối tượng, thủ đoạn cung cấp các dịch vụ xâm phạm.
Tình trạng xâm phạm bản quyền, quyền tác giả trên môi trường số vẫn đang diễn ra khá phổ biến, chỉ có số ít các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tạo hình ảnh rất xấu về thị trường trong nước. Chủ thể quyền bị xâm phạm không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng việc kiểm soát bản quyền rất lỏng lẻo gây ra tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan.
Đối tượng cung cấp dịch vụ xâm phạm thường là các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu của tác phẩm, không phải là nhà sản xuất và cố tình vi phạm nhằm mục đích trục lợi về kinh tế. Chủ thể vi phạm thường là những người có độ tuổi trẻ, có trình độ công nghệ, các kỹ năng tương tác mạng xã hội, có trình độ học vấn hay kiến thức lĩnh vực chuyên môn nhất định nhưng lại thiếu kiến thức hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ, không nhận thức được hành vi vi phạm của mình gây ra những tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển của công đồng, xã hội, mà chỉ nhìn thấy những lợi ích “cá nhân” trước mắt. Ngoài việc thực hiên hành vi cung cấp các dịch vụ xâm phạm mà các đối tượng còn thực hiện những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật Hình sự như quảng cáo các trò chơi điện tử game, đánh bạc hay quảng cáo cho vay tín dụng, phim người lớn… hậu quả các hành vi quảng cáo trên đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của cả một thế hệ trẻ khi tiếp cận đã bị tác động xấu, sử dụng các dịch vụ vi phạm đó, làm gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội phạm có độ tuổi trẻ, tuổi thành niên, hậu quả tác động lớn đến nền kinh tế, phát triển của xã hội, cả đất nước, thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Điều quan trọng để đưa ra các cơ chế xử lý các dịch vụ vi phạm, người xử lý phải biết các dịch vụ xâm phạm là những dịch vụ gì, sau đó đưa ra các giải pháp. Ở đây,các đối tượng cung cấp các dịch vụ xâm phạm thường qua các website tên miền quốc tế và các dịch vụ ẩn dấu thông tin hoạt động công khai, và thay đổi tên miền liên tục khi bi chặn (người dùng đến một kho chứa film và chương trình truyền hình). Việc cung cấp một dịch vụ hệ thống quản trị nội dung toàn diện với nhiều công cụ cần thiết để vận hành các trang web film lậu.
Các vi phạm của bên xâm phạm, đó là:
- Cung cấp và/hoặc vận hành, phát triển và/ hoặc kiểm soát các dịch vụ xâm phạm
- Nắm quyền kiểm soát hoạt động tài chính và/hoặc tham gia vào việc chiếm đoạt, cung cấp quyền truy cập trái phép tới các tác phẩm có bản quyền thông qua dịch vụ xâm phạm
Khi thực hiện các hành vi trên, quyền tác phẩm bị xâm hại bởi việc nhân bản bản sao, phân phối, truyền đạt tới công chúng không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả chủ sở hữu quyền liên quan.
- Giải pháp tổng thể để giải quyết vấn nạn về vi phạm bản quyền nêu trên.
1. Hệ thống pháp luật.
Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đáp ứng được Công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia ký kết. Chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ, nghị định để hướng dẫn, Luật Điện ảnh, Nghị định sử phạt vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Ngoài việc bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, cũng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình giữa các quốc gia có chủ quyền thông qua Công ước Berne.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Theo đó, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
- Các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP có mức xử phạt thấp chưa đủ tính răn đe, thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm hiện nay xảy ra khá phổ biến, thực hiện với quy mô lớn và thường xuyên dưới hình thức kinh doanh thương mại. Tuy nhiên mức phạt hiện nay không tương ứng được với mức độ vi phạm và thiệt hại mà các đơn vị này gây ra cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số
- Chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu là một biện pháp hữu hiệu để chống vi phạm bản quyền trên không gian mạng bởi doanh thu chính của các trang web lậu đến từ tiền quảng cáo. “Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện khá hiệu quả. Ví dụ, tại nước Anh, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của Chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo.
4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật (Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành) nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số. Đồng thời công khai, có biện pháp xử lý mạnh như “bài trừ” đối với các trang web “lậu” hay các kênh thông tin, các đối tượng cung cấp dịch vụ xâm phạm bản quyền.
5. Các công ty, tổ chức kinh tế nước ngoài cần tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết. Các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong việc giám sát các vấn đề vi phạm bản quyền, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, và các văn bản pháp luật khác có liên quan.Phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước để bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp trang thiết bị cần thiết trong khả năng cho phép để chung tay trong cuộc chiến.
6. Tác giả, chủ sở hữu cần tham gia tổ chức hội: Hội cung cấp cho hội viên chú sở hữu một nền tảng để tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn và đa dạng diều này cho phép họ giói thiệu, cho thuê, khai thác tác phẩm của mình cho lượng khách hàng ở quy mô toàn cầu. khi bị xâm phạm ngoài việc mình cần có động thái phản ứng quyết liệt cảnh báo đến những người vi phạm, có thể yêu cầu đến tổ chức hội giúp hoặc luật sư tư vấn bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; cần có các hành động như khởi kiện dân sự hoặc tố cáo đến cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc đề nghị các cơ quan có thảm quyền giải quyết.
VI. Kết luận:
Qua những phân tích nêu trên tôi thấy rằng để giải quyết tận gốc vấn nạn xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay cần phải có thời gian để giải quyết. Ngoài ra, cần sự vào cuộc và triển khai đồng bộ khoa học của các cơ quan chức năng, phối hợp kết nối với các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt vai trò nòng cốt là Bộ văn hóa thể thao và du lịch; bên cạnh đó không thể thiếu vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đặc biệt là Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, nơi có các chuyên gia là các luật sư, luật gia có kiến thức pháp luật và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam còn có chức năng, nhiệm vụ trong tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các hội viên của Hội vì chính họ các tác giả, chủ sở hữu các tác phẩm cần được bảo hộ. Việc tuyên truyền làm tăng cường ý thức đấu tranh làm giảm tình trạng vi phạm bản quyền.
Hội còn hỗ trợ hội viên của mình tự bảo vệ mình thông qua các biện pháp tố giác tội phạm, tố tụng dân sự, hành chính, hình sự cần thiết.
Hội còn là cầu nối giữa các cơ quan có thẩm quyền (như Cục Sở Hữu trí tuệ, Cục Bản quyền Việt Nam, Thanh tra Bộ VHTTDL, các cơ quan tiến hành tố tụng (như Công an, Viện kiểm sát…)để triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể nêu trên.
Như vậy, Tôi tin rằng với những giải pháp tổng thể như trên được thực thi thì vấn nạn vi phạm bản quyền như hiện nay sẽ dần được kiểm soát, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, về quyền tác giả, quyền liên quan trong Sở Hữu trí tuệ sẽ được cải thiện, và phát triển đúng đắn.
Trân trọng./.